Kế hoạch chuyển đổi tích tụ ruộng đất giai đoạn 2023 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN
XÃ BÙI LA NHÂN
Số: 47/KH-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
Bùi La Nhân, ngày 18 tháng 9 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
CHUYỂN ĐỔI, TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN XÃ
GIAI ĐOẠN 2023 – 2025
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
Khắc phục tình trạng ruộng manh mún nhỏ lẻ, tạo ra những thửa ruộng lớn, hình thành vùng sản xuất tập trung, có hệ thống tưới, tiêu hợp lý, thuận tiện. Tạo thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm sức lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, giá trị trên đơn vị diện tích.
Chuyển đổi, tạo điều kiện tập trung ruộng đất để phát triển các vùng sản xuất hàng hoá, chăn nuôi, vùng nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ… đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Kết hợp chuyển đổi đất nông nghiệp với sắp xếp lại quỹ đất để đảm bảo giữ tiêu chuẩn đất được giao, nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của các hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, giải quyết đất dịch vụ nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong những năm tới.
Đảm bảo quản lý nhà nước về đất đai trong nông nghiệp tránh lấn, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận để người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tuyên truyền Nghị quyết, kế hoạch tích tụ ruộng đất sâu rộng đến tận các thôn xóm, chi bộ và người dân trên địa bàn toàn xã;
Trong giai đoạn 2023 – 2025: Hoàn thành công tác chuyển đổi tích tụ ruộng đất trên địa bàn, trừ các vùng đặc thù như bờ sông, trẹm hói, các vùng sâu trũng, không đủ diện tích theo quy định.
Cụ thể: Năm 2023 tập trung chuyển đổi, tích tụ diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại 2 HTX Yên Nhân và Đức La (trừ các vùng đặc thù không đảm bảo diện tích theo quy định).
Đối với khu vực được khoanh vùng thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phấn đấu còn 01 -02 thửa/hộ, trong đó từ 75 – 80% số hộ sử dụng 01 thửa.
2. Yêu cầu:
Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung tuyên truyền, để nhân dân thấy rõ lợi ích, hiệu quả và sự cần thiết phải chuyển đổi, tích tụ ruộng đất để dân tự giác thực hiện, đảm bảo lợi ích chung của đa số người dân.
Công khai, dân chủ, công bằng mọi công việc liên quan đến chuyển đổi đất nông nghiệp để người dân đều được biết và tham gia bàn bạc, thống nhất. UBND xã đóng vai trò kiến tạo, phục vụ và hỗ trợ thôn xóm và người dân thực hiện.
Chuyển đổi đất nông nghiệp phải được gắn liền với tập trung tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa việc quy hoạch lại đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và phù hợp với các quy hoạch khác đặc biệt là quy hoạch hệ thống GTNĐ, bờ vùng, bờ thửa, hệ thống tưới, tiêu, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, khu đất du lịch, dịch vụ.
Việc chuyển đổi không được làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất của nông dân, không làm mất quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Để thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp, Chi ủy – BCH thôn lập kế hoạch vận động nhân dân trong thôn thực hiện, sau khi thống nhất thôn làm tờ trình gửi UBND xã xin chuyển đổi. UBND cấp xã tiến hành rà soát, tổng hợp và hoàn thiện phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã trình UBND cấp huyện thẩm định phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện từng nhiệm vụ phải kịp thời xử lý, giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh thông qua việc thương lượng, hòa giải. Không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về sau.
II. PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỐI TƯỢNG CHUYỂN ĐỔI:
- Phương pháp:
Khuyến khích các hộ trong 1 thôn hợp tác cùng nhau (cha mẹ, con cái, anh em…) để nhận chung khu ruộng lớn nhằm tạo thuận lợi trong hổ trợ nhau phát triển sản xuất
Những hộ không có điều kiện hoặc không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp vận động các hộ trả lại đất nông nghiệp. UBND xã làm các thủ tục nhận lại đất và phân bổ phù hợp theo vùng sản xuất của thôn xóm để thực hiện chuyển đổi
Lấy đơn vị thôn gắn với từng HTX nông nghiệp làm đơn vị chuyển đổi đất nông nghiệp. Người sử dụng đất ở thôn nào thì nhận chuyển đổi ở thôn đó. Ruộng đất của các thôn trước đây bố trí nhiều vùng (nhiều xứ đồng) chưa tiện cho việc quản lý, hộ gia đình đang sinh sống ở thôn này nhưng phải về thôn khác để sản xuất, thì các thôn thỏa thuận chuyển đổi ruộng đất cho nhau để đảm bảo liền vùng, liền thửa và tạo điều kiện thuận canh, thuận cư cho nhân dân sản xuất).
Lấy số khẩu và diện tích được giao tại thời điểm 15/10/1993 theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và diện tích nhận quyền sử dụng đất hợp pháp làm cơ sở xác định diện tích tiêu chuẩn; phần diện tích các hộ đã được Nhà nước thu hồi hoặc đã chuyển nhượng thì không được tính để chuyển đổi chỉ thực hiện chuyển đổi với diện tích hiện trạng còn lại đang sử dụng.
Trong quá trình thực hiện nhân dân bàn bạc và quyết định tập thể về các nội dung: quy hoạch đồng ruộng, phương pháp thực hiện, khu đất nào dồn đổi, xử lý diện tích đất tăng hoặc giảm do đã mở rộng đường, mương tưới tiêu, quy hoạch đất để thực hiện các công trình phúc lợi.
Triển khai tổng thể: Chỉ đạo thực hiện tập trung, dễ làm trước khó làm sau, làm đến đâu đảm bảo chắc chắn đến đó. Tránh tình trạng qua loa đại khái, xong chuyện. Trong quá trình thực hiện phải bám theo Nghị quyết số 06 ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Nghị quyết số 04/NQ-HĐND 28/9/2021 của BCH Đảng bộ huyện Đức Thọ và Nghị quyết số: 54/NQ-ĐU ngày 10/8/202 Của BCH Đảng ủy xã Bùi La Nhân.
2. Đối tượng chuyển đổi:
- Đất giao cơ bản cho hộ nông dân
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
- Thành lập ban chỉ đạo:
Ban chỉ đạo xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng chí phó chủ tịch làm phó ban trực, các thành viên là MTTQ, trưởng các ban ngành đoàn thể.
Ở các thôn xóm thành lập Tổ chỉ đạo do đồng chí Bí thư làm trưởng ban, đồng chí thôn trưởng làm phó ban, các thành viên là Ban mặt trận thôn xóm và 1 số hộ dân tiêu biểu đại diện
- Các bước tiến hành:
Bước 1:
- Họp Ban chấp hành Đảng ủy quán triệt chỉ tiêu của huyện giao cho xã thực hiện thí điểm chuyển đổi tích tụ ruộng đất
- Họp trù bị thành lập các ban, tổ chỉ đạo thực hiện kế hoạch tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã
- Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại xã Thuận Thiện – huyện Can Lộc.`
- Họp trù bị công bố các Quyết định thành lập các ban, tổ thống nhất chủ trương, phương án thực hiện kế hoạch tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã.
- Mời lãnh đạo xã Thuần Thiện ra trao đổi kinh nghiệm cho ban chỉ đạo, các tiểu ban thôn xóm, hợp tác xã, các Đảng viên trong toàn xã về công tác chuyển đổi ruộng đất của xã Thuần Thiện.
Bước 2:
- Các tổ của thôn tiến hành rà soát các số liệu liên quan phục vụ cho xây dựng hoàn thiện Kế hoạch chuyển đổi tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã.
- Tổ giúp việc xây dựng dự thảo Kế hoạch, dự thảo Nghị Quyết cho BCH Đảng ủy về việc thực hiện tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã.
- Họp Ban chấp hành lấy ý kiến đóng góp vào Kế hoạch
- Họp Ban chỉ đạo góp ý vào dự thảo Kế hoạch tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã.
- Tổ giúp việc chỉnh sữa Kế hoạch lần 1
Bước 3:
- Họp Ban chấp hành Đảng ủy thông qua Kế hoạch, góp ý chỉnh sữa
- Họp Ban chỉ đạo góp ý vào dự thảo Kế hoạch tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã.
- Họp mở rộng xin ý kiến đóng góp của cán bộ cốt cán qua các thời kỳ
- Tổ hoàn thiện Kế hoạch lần 2
Bước 4:
- Đảng ủy, chi bộ ban hành chủ trương, Nghị quyết chuyển đổi tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã.
- Họp chi bộ các thôn thống nhất chủ trương, phương án thực hiện việc chuyển đổi tích tụ ruộng đất trên địa bàn.
- Họp nhân dân các thôn, thống nhất chủ trương thực hiện kế hoạch chuyển đổi, tích tụ ruộng đất trên địa bàn.
Bước 5:
- Các đơn vị thôn thành lập ban chuyển đổi từ 7 - 9 người do bí thư chi bộ làm trưởng ban, thôn trưởng phó ban, các thành viên trong ban để thực hiện công tác chuyển đổi trên địa bàn thôn.
- Ban chuyển đổi các thôn thống kê số khẩu chuyển đổi, diện tích chuyển đổi, số khẩu có đề xuất về các thôn khác để báo cáo ban chỉ đạo xã để làm trung tâm thỏa thuận cân đối bù rút phù hợp.
Bước 6:
- Ban chuyển đổi thôn nghiên cứu thực địa các vùng đất sản xuất. Quy hoạch lại giao thông thủy lợi (đường nội đồng 7 - 9 m; trừ một số trường hợp đặc thù), bờ vùng, bờ thửa, cơ cấu đất màu, đất lúa, vùng đất cần tập trung để sản xuất tập trung, đất sâu trũng, đất hoang hóa, đất dự phòng, đất để xen dắm dân cư của thôn theo quy hoạch của thôn xóm, đất làm các công trình phúc lợi của thôn, xây dựng phương án dự trù kinh phí. Sau đó đưa ra nhân dân góp ý quyết định ( Có sơ đồ sử dụng đất, quy hoạch diện tích cải tạo, san lấp, đất đặc thù…)
Bước 7:
- Cắm mốc, đo đạc lại diện tích, sau khi làm giao thông thủy lợi phân loại đất trên các cánh đồng, đặt hệ số đất cho phù hợp, đưa ra nhân dân góp ý thống nhất.
- Ban chuyển đổi thôn tính toán lại tùy vào vùng đất đã được dân bàn, soát lại với số khẩu, diện tích chia đã đủ hay chưa, có phương án nâng lên hạ xuống cho phù hợp
Bước 8: Thống nhất phương án giao đất
- Cho dân tự nhận theo các vùng đất. Nếu nhiều hộ cùng nhận thì tổ chức bốc thăm. Các hộ có trang trại, gia trại thì bố trí nhận ruộng liền kề đó luôn để thuận tiện.
- Chia theo dạng cuốn chiếu hết đồng này sang đồng khác, các hộ gia đình khẩu ít, khẩu nhiều khuyến khích các hộ hợp nhau, anh em họ hàng gộp lại hoặc các hộ theo nhóm cũ bắt 1 thăm để có diện tích liền kề sau này dễ cho việc tập trung. Tùy vào thực tiễn của từng thôn để thống nhất phương án chia phù hợp.
- Niêm yết công khai một cách dân chủ, dự kiến diện tích trong số thăm và rơi vào xứ đồng nào để nhân dân góp ý trước lúc bốc thăm chia chính thức. Tùy vào thực tiễn của từng thôn để thống nhất phương án chia phù hợp trình UBND huyện phê duyệt.
Bước 9: Giao đất trên thực địa, giao hết vùng này sang vùng khác, chú ý phần đất dự phòng giao sau cùng theo sơ đồ cuốn chiếu để phù hợp, điều chỉnh sau khi hoàn thành giao đất.
Bước 10: Tổng hợp sổ sách, sơ đồ giao đất, số hộ có diện tích trước và sau chuyển đổi để phối hợp với UBND xã đề xuất huyện, tỉnh cấp lại bìa cho hộ dân.
IV. Chính sách áp dụng:
4.1. Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh:
4.1.1. Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi ruộng đất, phá bỏ bờ thửa đảm bảo mục tiêu mỗi hộ sử dụng 01 - 02 thửa (trong đó có đến 75 - 80% số hộ sử dụng 01 thửa) tại các vùng tập trung, tích tụ ruộng đất:
a) Hỗ trợ công tác tuyên truyền, tập huấn thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất: Mức hỗ trợ 0,5 triệu đồng/ha theo kết quả thực hiện (phát sinh từ vụ Xuân năm 2022 trở đi);
b) Hỗ trợ công tác đo đạc chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ địa chính: Mức hỗ trợ 1,34 triệu đồng/ha;
c) Hỗ trợ cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành tập trung, tích tụ ruộng đất: Mức hỗ trợ 278.000 đồng/giấy chứng nhận.
4.1.2. Hỗ trợ phá bỏ bờ thửa, di dời mồ mả, san phẳng mặt ruộng và đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng phục vụ sản xuất tại các vùng tập trung, tích tụ ruộng đất có quy mô diện tích liền vùng tối thiểu đối với đất trồng lúa 10ha, đối với đất trồng cây hàng năm khác 05ha: Mức hỗ trợ 05 triệu đồng/ha, tối đa 300 triệu đồng/cấp xã/năm.
4.1.3. Tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác) của hộ gia đình, cá nhân với thời gian thuê đất từ 05 năm trở lên với quy mô liền vùng tối thiểu 10ha đối với tổ chức, 03ha đối với hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ 02 năm với mức hỗ trợ 08 triệu đồng/ha/năm (hỗ trợ trực tiếp cho người thuê đất).
4.2. Chính sách hỗ trợ của huyện:
4.2.1. Thưởng đơn vị thực hiện thành công Kế hoạch
- Từ 50ha đến dưới 100ha: hỗ trợ 50 triệu đồng/xã;
- Từ 100ha đến dưới 300ha: 100 triệu đồng/xã;
- Từ 300ha trở lên: 150 triệu đồng/xã.
4.2.2 Hỗ trợ kinh phí tư vấn thiết kế quy hoạch thửa ruộng và chuyển mốc ranh giới thửa đất ra thực địa: Mức hỗ trợ 150.000đồng/thửa.
4.2.3. Hỗ trợ 50% gạch đặc xây dựng kênh mương cứng nội đồng khu vực tập trung, tích tụ (50.000 viên/km trị giá 85 triệu đồng/km).
4.2.4. Hỗ trợ kinh phí đắp đường giao thông nội đồng: 50triệu đồng/km. Tối đa 300 triệu đồng/xã (thực trạng nghiệm thu theo khối lượng đắp).
4.2.5. Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, học tập, triển khai thực hiện Kế hoạch: 30 triệu đồng/xã.
4.2.6. Hỗ trợ kinh phí khảo sát, học tập, xây dựng Kế hoạch: 200 triệu đồng.
4.2. Chính sách hỗ trợ của xã (Ngoài chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh)
4.3.1. Hỗ trợ cho Tổ giúp việc, tổ xây dựng Kế hoạch: 25 triệu đồng
4.3.2. Hỗ trợ mua trang thiết bị vật tư phục vụ công tác chuyển đổi, tiền nước uống triển khai các cuộc họp cho thôn: 5 triệu đồng/thôn
4.3.3. Hỗ trợ tiền công cho các tổ của thôn 15 triệu đồng/tổ.
4.3.4 Hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nội đồng, kênh mương và các hạng mục khác:
5. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí thực hiện Kế hoạch dự kiến 10.843.972.500.000 đồng (Có biểu chi tiết kèm theo). Trong đó:
- Năm 2023 dự kiến 5.421.986.500.000 đồng;
- Năm 2024, 2025 dự kiến5.421.000.000 đồng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thành lập Ban chỉ đạo
Trên cơ sở Nghị quyết của BCH Đảng ủy xã quyết định phân công thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ giúp việc, tổ chuyển đổi các thôn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyển đổi, tích tụ ruộng đất trên địa bàn xã;
2. Địa chính, xây dựng:
Rà soát quy hoạch sử dụng đất trên các vùng thực hiện chuyển đổi; Quy hoạch, thiết kế đồng ruộng đảm bảo đồng bộ hệ thống đường giao thông, kênh mương phục vụ sản xuất đáp ứng hạ tầng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới. Phối hợp phòng tài nguyên môi trường hướng dẫn các thôn thực hiện các thủ tục, hồ sơ trong quá trình chuyển đổi ruộng đất (quy hoạch, thủ tục cấp bìa). Xây dựng phương án cải tạo đất tại các vùng có nhu cầu trình phòng TNMT huyện thẩm dịnh phê duyệt;
3. Nông nghiệp môi trường:
Phối hợp Địa chính xây dựng tham mưu xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tích tụ ruộng đất gắn với tập trung ruộng đất hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp.
4. Tài chính ngân sách:
Tham mưu UBND xã bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch, quản lý, phân bổ nguồn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Phối hợp với các phòng, ban liên quan xây dựng hồ sơ để hỗ trợ theo các chính sách liên quan.
5. Văn hóa - xã hội:
Tổ chức tuyên truyền kế hoạch đến tận người dân trên hệ thống truyền thanh xã và thôn xóm; thường xuyên đưa tin bài về kết quả, các điển hình tiên tiến để nhân dân biết và thực hiện.
6. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể:
Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động đến tận đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
7. Các hợp tác xã, các đơn vị thôn xóm:
Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng uỷ, kế hoạch của UBND xã. Các hợp tác xã, các chi bộ, các thôn xây dựng kế hoạch chuyển đổi của đơn vị mình. Tổ chức họp chi bộ, họp thôn để bàn bạc cụ thể phù hợp địa bàn từng khu vực HTX, từng thôn.
8. Kiến nghị, đề xuất:
- Đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép địa phương sử dụng tài nguyên đất dư thừa trong quá trình cải tạo, san lấp mặt bằng nếu dư thừa cho nhân dân được vận dụng để chỉnh trang, cải tạo vườn.
- Các diện tích sâu trũng, cao táo khó sản xuất đề nghị huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng.
- Đối với chính sách hỗ trợ kênh mương: Đề nghị các cấp chuyển từ hỗ trợ xây dựng kênh gạch sang làm kênh mương bê tông để đảm bảo tính bền vững.
- Đề nghị UBND huyện thường xuyên quan tâm theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ địa phương triển khai thực hiện kế hoạch và tạo điều kiện hỗ trợ thêm kinh phí cho UBND xã thực hiện.
- Đề nghị Đảng ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tham gia vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi.
- Đề nghị HĐND ra nghị quyết để phân bổ kinh phí thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban thường vụ Huyện ủy (B/C);
- UBND huyện (B/C);
- Phòng NN&PTNT huyện (B/C);
- Phòng TN&MT huyện (B/C);
- TT Đảng uỷ, TTHĐND xã;
- Chủ tịch, PCT UBND;
- Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cấp xã;
- Các HTX nông nghiệp;
- Bí thư, Thôn trưởng 9 thôn;
- Lưu: VT.
|
TM ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Linh
|