KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO NGHỀ - GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2024
UỶ BAN NHÂN DÂN
XÃ BÙI LA NHÂN
Số: 10 /KH-UBND
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bùi La Nhân, ngày 25 tháng 2 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO NGHỀ - GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2024
Thực hiện Nghị quyết số 70/2022/NQ -HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên điạ bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 , Quyết định số 42/2023/QĐ-UBND ngày 31/10/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về Quy định mức chí phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Kế hoạch số 474/KH-UBND ngày 22/02/2014 của UBND huyện Đức Thọ về việc ban hành Kế hoạch Đào tạo nghề- Giải quyết việc làm, Ủy ban nhân dân xã Ban hành Kế hoạch đào tạo nghề - Giải quyết việc làm năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
1. Mục đích
- Dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chuyển đổi nghề theo nhu cầu học nghề của người lao động, gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của huyện và mỗi địa phương; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia học nghề, kèm nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình, phấn đấu để mọi người dân đến tuổi lao động đều được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghề;
- Giải quyết việc làm với phương châm tạo việc làm cho người lao động thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm thông qua các chương trình như: sàn giao dịch, hội nghị tư vấn về XKLĐ việc làm, tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh;
2. Yêu cầu
- Các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở cần tập trung mọi nguồn lực, điều kiện cho phép để thực hiện hiệu quả chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm của mỗi địa phương nói riêng và của huyện nói chung;
- Các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn phải điều tra, rà soát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động để giải quyết việc làm, nhu cầu cung ứng lao động của các doanh nghiệp, ngành nghề cần đào tạo… để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm sát với thực tiễn;
II. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO NGHỀ - GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2024
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề - giải quyết việc làm. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp về giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn và học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, Bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động nhằm kết nối cung - cầu lao động, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người học, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo nhằm đảm bảo người lao động có việc làm ổn định.
2. Các chỉ tiêu cụ thể
- Công tác đào tạo nghề năm 2024: Đào tạo nghề (dự kiến) từ 70 đến 100 lao động đào tạo trình độ sơ cấp nghề và nghề ngắn hạn dưới 3 tháng. Phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề & Giáo dục thường xuyên và các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức đào tạo 3 lớp nghề với số lượng 100 người lao động của các thôn trong toàn xã theo Nghị quyết số 70/2022/NQ -HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về về Quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên điạ bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 ; Quyết định số 42/2023/QĐ-UBND ngày 31/10/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về Quy định mức chí phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Phấn đấu 80% lao động sau khi học nghề có việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 80 % toàn xã.
- Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động
+ Giải quyết việc làm cho trên 120 người lao động trong đó: Xuất khẩu lao động 10 người. Lao động trong xã, huyện, tỉnh 60 người; ngoại tỉnh 50 người; Bình quân trên 99% lao động có việc làm trong tổng số lao động trong độ tuổi. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng: Công nghiệp xây dựng 41,5%; Thương mại dịch vụ 42,5%; Nông - Lâm - Ngư nghiệp 16%;
+ 100% doanh nghiệp được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Pháp luật lao động tăng tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp được ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; tăng tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện ký kết và đăng ký thỏa ước lao động, nội quy lao động từ 7,5% (năm 2023) lên 8,5% năm 2024.
III. NỘI DUNG VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO
1. Khảo sát nhu cầu học nghề lao động nông thôn năm 2024
Tổng số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề năm 2024: Khoảng 100 lao động, trong đó.
- Nhu cầu đào tạo nghề sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: 70 người.
2. Kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thônnăm 2024
- Chú trọng đào tạo nghề Phi nông nghiệp: Nghiệp vụ du lịch, Chế biến món ăn & DVNH, kỹ thuật may, nề dân dụng, lái xe các hạng …..
- Đào tạo Nghề nông nghiệp, ngư nghiệp: Chăn nuôi trâu, chăn nuôi lợn, trồng trọt trồng hoa, sửa chữa máy nông nghiệp, ngư nghiệp, cây cảnh gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới thực hiện đề án các sản phẩm cây, con chủ lực theo các vùng, miền phát triển kinh tế.
Trong đó:
Tổng số lao động nông thôn (dự kiến) đào tạo năm 2024 là 100 người;
+ Nghề lĩnh vực phi nông nghiệp 1 lớp với số lượng 30 lao động;
+ Nghề lĩnh vực nông nghiệp 2 lớp với số lượng 70 lao động;
- Kinh phí thực hiện 433.725.000 đồng ( Chi tiết kèm theo).
- Nội dung, chương trình thời gian đào tạo. Do các cơ sở dạy nghề trực tiếp xây dựng thực hiện theo quy định hiện hành.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về đào tạo nghề
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề của năm 2024. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, các cơ quan quản lý dạy nghề thảo luận, trao đổi và bàn bạc để ra các giải pháp nâng cao hiệu quả dạy nghề .
- Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dạy nghề, đặc biệt là chính sách xã hội hóa dạy nghề để các cấp, ngành, các đơn vị công lập, ngoài công lập và nhân dân có nhận thức đầy đủ, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề.
Các cơ sở dạy nghề tăng cường công tác tư vấn về đào tạo nghề và việc làm cho người lao động giúp người lao động có quan niệm đúng về học nghề, giải quyết việc làm theo Bộ Luật Lao động; nhận thức rõ ví trí, vai trò vấn đề việc làm và đào tạo nghề tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong việc tăng cường phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
2. Đối với các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp sử dung lao động
Các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp chủ động phối hợp tuyên truyền, tư vấn tuyển chọn về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động để thu hút người lao động tham gia học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại hóa, linh hoạt nhằm nâng cao kỹ thuật, kỹ năng thực hành và tự tạo việc làm, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi công nghệ và sản xuất; tổ chức đào tạo nghề thuận lợi cho người học. Các cơ sở dạy nghề xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, hoàn thiện cơ bản giáo trình, các môn học với điều kiện thực tế và nhu cầu của thị trường lao động, khả năng tiếp thu kiến thức của người học.
3. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động gắn với đào tạo nghề và sử dụng lao động
- Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề xây dựng hệ thống thông tin trường lao động của cở sở dạy nghề phải đảm bảo cung cấp cho người học biết những thông tin về năng lực đào tạo của cơ sở, thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp.
- Cở sở dạy nghề xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp, từng bước hướng các cơ sở dạy nghề theo địa chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Gắn kết chặt chẽ đào tạo và sử dụng nhằm tận dụng cơ sở vật, máy móc trang thiết bị của doanh nghiệp đồng thời đáp ứng đúng và đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
- Tổ chức tốt các cuộc điều tra thông tin thị trường như: Điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư trên địa bàn huyện; nhu cầu học nghề của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, nghề lao động nông thôn….
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công chức Lao động - Thương binh & Xã hội
- Cơ quan thường trực, giúp UBND xã thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã;
- Phối hợp với phòng Lao động - Thương binh & Xã hội, đăng ký xây dựng kế hoạch, danh mục đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
2. Ban ngành đoàn thể
- Chủ trì phối hợp với công chức Lao động - Thương binh & Xã hội xã xác định ngành nghề đào tạo lao động nông thôn phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện; Xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy các nghề chăn nuôi, trồng trọt trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng; xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu về dạy nghề do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn giao và các nguồn lực trong lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp.
- Phối hợp với Trung tâm văn hóa - Truyền thông huyện cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, các chính sách hấp thu nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới.
- Phối hợp với công chức Lao động Thương binh và Xã hội huyện kiểm tra giám sát tình hình thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
4. Cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề trên địa bàn
- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người học. Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình, tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy nghề.
- Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, môn học chi tiết, giáo trình các môn học phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở, đối tượng có nhu cầu học và chuyển đổi nghề nghiệp.
- Tiếp tục tư vấn và tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở, doanh nghiệp và nhu cấu học nghề của người lao động trong lĩnh vực sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch và công nghiệp.
5. Thôn, xóm
Thôn xóm có trách nhiệm: Thống kê số lượng lao động có nhu cầu học nghề theo chuỗi sản phẩm chủ lực của từng địa phương, (Từng loại nghề cụ thể), tổ chức thực hiện tuyên truyền, thông báo chủ trương, chính sách, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển đổi nghề năm 2024 để người lao động tiếp tục đăng ký tham gia đào tạo, học nghề và tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện.
Trên đây là kế hoạch đào tạo nghề giải quyết việc làm năm 2024; yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị thôn xóm, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này./.
Nơi nhận
- Phòng Lao động TB&XH (để báo cáo);
- Thường trực Đảng ủy, HĐND xã;
- Chủ tịch, các PCT UBND xã;
- Các ban ngành đoàn thể;
- Lưu: VT,LĐTBXH;
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Hoàng
|