Kế hoạch xây hố phân loại rác tập trung tại chợ Trổ
HỘI LHPN XÃ BÙI LA NHÂN
BAN CHẤP HÀNH
Số: 10/KH-PN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
Bùi La Nhân, ngày 28 tháng 2 năm 2022
|
KẾ HOẠCH MÔ HÌNH “DÂN VẬN KHÉO”
Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cho Chợ trổ xã Bùi La Nhân
giai đoạn 2022- 2023 và định hướng đến năm 2025
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH
Thực hiện Quyết Định số 01QĐ-BTV Hội LHPN huyện Đức Thọ ngày 22/2/2022 về việc giao chỉ tiêu xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phân loại, xử lý rác tại nguồn trên địa bàn xã Bùi la Nhân năm 2022. Để đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư thôn Khang Ninh, Phú Quý, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do người dân vứt rác bừa bãi không đúng quy định trên trục đường Đê La Giang, Hội LHPN xã lập Kế hoạch xây dựng Mô hình phân loại xử lý rác tại chợ năm 2022.
Trên địa bàn có 01 Chợ trổ, tổng số hộ đăng ký kinh doanh trong chợ 138 hộ, trong đó có 3 hộ hàng ăn, 35 hộ bán hàng thịt, cá, 29 hộ bán hàng quần áo và hàng tạp hóa, 15 hộ bán hàng hoa quả, 56 hộ bán hàng chợ trời.
Cùng với sự phát triển kinh tế đáng ghi nhận, xã Bùi La Nhân cũng giống như các xã khác trong huyện, lãnh đạo và nhân dân toàn xã đang phải đối đầu với sự ô nhiễm về rác thải phát sinh trong cuộc sống, kinh doanh hàng ngày.
Trước thực trạng đó UBND xã phải quy hoạch các điểm tập kết, xử lý rác tại các địa phương trong địa bàn xã. Cấp ủy Đảng, chính quyền xã Bùi la Nhân đã chỉ đạo các thôn, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn, sử dụng đốt và để lại vườn tuy nhiên lượng rác phát sinh hàng ngày quá nhiều, dân số đông, diện tích đất trống cách xa khu dân cư không lớn, các điểm tập kết rác hiện nay chủ yếu nằm gần ruộng sản xuất nông nghiệp của các hộ dân nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của nhân dân do đó việc thu gom, xử lý rác tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
Từ những vấn đề trên, việc xây dựng Kế hoạch “ Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cho Chợ trổ giai đoạn 2022- 2023 và định hướng đến năm 2025” nhằm giảm thiểu tập kết rác về các điểm tập kết, xử lý rác của các thôn là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển môi trường bền vững của xã.
II. MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU, NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
1. Mục đích:
- Bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Bảo vệ cảnh quan môi trường
- Tái chế sử dụng tối đa rác hữu cơ.
- Giảm thiểu được lượng chất thải lớn vì đã được tái chế.
- Tăng nguồn nguyên liệu cho tái sử dụng sản xuất phân bón, hạn chế phân hóa học.
2. Mục tiêu:
- Giảm được lượng rác tập kết tại về các bãi rác.
- Có 138 hộ tham gia công tác phân loại rác thải tại nguồn theo đúng quy định.
- Tạo ra phân bón phục vụ cho các hộ sản xuất vườn mẫu ở khu vực Khang Ninh, Phú Quý
- 100% người dân trong chợ và người dân trong xã được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.
3. Nội dung.
- Tổ chức các lớp tập huấn về xử lý và phân loại rác cho toàn bộ tiểu thương trong chợ.
- Xây dựng 4 Hố xử lý rác hữu cơ
- Vận động, tuyên truyền, chung tay cùng nhân dân phân loại rác tại nguồn.
- Hỗ trợ kinh phí xây dựng hố xử lý rác thải hữu cơ, chế phẩm sinh học để ủ rác thải hữu cơ tạo phân bón.
III. PHƯƠNG ÁN PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN (CHỢ TRỔ).
1. Diện tích khu chế biến ủ phân hữu cơ vi sinh:
- Tổng lượng rác phát sinh từ chợ: 150 kg/ngày
- Lượng rác dễ phân hủy: 138kg/ngày
- Thời gian phân hủy rác thành phân hữu cơ vi sinh: 35 - 40 ngày ( tùy điều kiện thời tiết)
- Dự kiến thiết kế xây dựng 4 bể ủ phân, mỗi bể 4m3, kích thước mỗi bể như sau: Cao 1m x rộng 2m x dài 2m
2. Yêu cầu kỹ thuật đối với khu vực ủ phân hữu cơ vi sinh:
- Bể ủ xây bằng gạch, nền láng xi măng
- Có độ dốc và rãnh thu nước rỉ rác, có hố thu gom nước rỉ rác.
- Có mái che để tránh nước mưa.
- Thuận tiện cho xe vận chuyển đưa rác vào bể ủ.
- Có bạt phủ để giữ độ ẩm và nhiệt độ cho đống ủ.
3. Quy trình vận hành
Khu chế biến phân hữu cơ vi sinh gồm 4 bể: 1 bể sẽ chứa lượng rác phát sinh của 1 tuần. Khi bể thứ nhất đầy, rác sẽ được nạp vào bể thứ 2 và cứ như thế cho đến bể thứ 4 (khoảng 42 ngày). Sau 42 ngày, rác từ bể thứ nhất đã hoàn toàn phân hủy thành phân hữu cơ thì phân sẽ được lấy ra sân phơi và tiếp tục nạp rác mới vào.
Đối với 1 bể quy trình vận hành gồm các bước như sau:
* Bước 1: Nạp rác vào bể ủ:
Rác thải hữu cơ dễ phân hủy sau khi phân loại được rải đều trên bề mặt bể ủ. Trộn thêm rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa hoặc lá cây để đảm bảo dinh dưỡng (tỷ lệ C/N) cho vi sinh vật phát triển. Mỗi lớp rác 20cm, phun chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi, ruồi nhặng và thúc đẩy quá trình phân hủy vi sinh. Trong vài ngày đầu nhiệt độ sẽ tăng lên đến 600C, điều này giúp cho sản phẩm compost không còn vi khuẩn gây bệnh. Quá trình compost sẽ diễn ra trong khoảng 35 - 40 ngày và sau đó ủ chín 15 ngày nữa. Trong suốt thời gian ủ cần phải theo dõi nhiệt độ, độ ẩm thường xuyên
* Bước 2: Đảo trộn rác
Trong vài ngày đầu lượng vi sinh vật hiếu khí tăng trưởng rất nhanh nên cần nhiều oxi, sau đó thì nhu cầu giảm dần. 2 tuần đảo trộn và bổ sung chế phẩm 1 lần. Đảm bảo lượng chế phẩm ủ là 1,5 gói/tấn rác thải.
Bước 3: Kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm
Hoạt động của vi sinh vật hiệu quả trong khoảng nhiệt độ từ 60 - 65oC trong khoảng 1 - 3 ngày. Nhiệt độ dưới 65oC là thích hợp nhất cho quá trình compost và cũng đảm bảo tiêu diệt trứng ấu trùng và các chất hại cho con người. Vì thế cần duy trì nhiệt độ này trong ít nhất là 3 ngày. Sau tuần thứ nhất nhiệt độ sẽ giảm và quá trình compost cũng chậm lại. Quá trình sẽ chuyển qua giai đoạn thực vật với nhiệt độ từ 45 - 50oC và các vi sinh vật khác sẽ giữ vai trò chuyển hóa cho đến khi rác trở thành compost.
Để đảm bảo tốc độ phân hủy cần duy trì độ ẩm trong các bể compost ở mức 40 – 60%. Nếu quá khô, có thể bổ sung nước tại hố thu nước rỉ rác.
Bước 4: Phơi
Phân hữu cơ vi sinh sau khi đã được ủ chín sẽ có màu như màu đất và nhiệt độ xuống dưới 500C. Lấy phân từ bể ủ ra sân phơi để giảm nhiệt độ về nhiệt độ không khí bên ngoài trước khi đem đi sử dụng.
4. Kinh phí xây dựng và vận hành
- Kinh phí xây dựng: dự kiến 8.752.000đ/hố, tổng kinh phí xây dựng 4 hố 35.008.000đ
- Kinh phí vận hành:
+ Công nhân vận hành: 2 công nhân
+ Chế phẩm sinh học: 1,5 gói/tấn rác thải
+ Trang thiết bị, dụng cụ: cào, cuốc, doa tưới, bảo hộ lao động
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Hội Phụ nữ xã chủ trì trong việc tuyên truyền vận động và tập huấn hướng dẫn các tiểu thương tại chợ Trổ phân loại rác tại nguồn.
- Ban quản lý chợ Trổ chịu trách nhiệm vận hành hố ủ rác và chi phí mua chế phẩm sinh học cho những năm tiếp theo.
- Kinh phí xây dựng xin sự hỗ trợ của UBND huyện 50% tổng kinh phí xây dựng, 50% kinh phí còn lại do UBND xã và HTX chợ Trổ chịu trách nhiệm.
- UBND xã, Ban quản lý chợ Trổ, Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả./.
Nơi nhận:
- Hội LHPN huyện;
- BTV Đảng ủy xã;
- UBND xã;
- Chi Hội Khang Ninh;
- Lưu VP/PN xã
|
T/M. BAN CHÁP HÀNH
CHỦ TỊCH
Đoàn Thị Hương Giang
|